Trong bối cảnh giá các loại nguyên liệu năng lượng tăng cao, việc tận dụng tối đa năng lượng từ các loại ngũ cốc sẵn có trong công thức là điều cần thiết.

Giá ngũ cốc tăng cao đòi hỏi sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bao giờ hết

Nhiều người hy vọng giá ngũ cốc sẽ sớm “bình thường hóa”, nhưng điều đó có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, ngay cả ở những kịch bản lạc quan nhất. Ít nhất trong năm 2023, giá ngũ cốc được dự đoán sẽ tiếp tục ở mức cao. Cộng thêm giá năng lượng (nhiên liệu, điện, khí đốt) tăng, việc tìm mọi cách để cải thiện lượng năng lượng mà vật nuôi hấp thu được từ ngũ cốc trong khẩu phần ăn là vô cùng cấp thiết.

Dưới đây là một số yếu tố mà bạn nên cân nhắc khi trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng và quản lý nhà máy thức ăn để giúp tối ưu năng lượng từ ngũ cốc cho vật nuôi:

1. Sạch

Việc mua ngũ cốc sạch, không lẫn tạp chất thường chỉ được coi là yêu cầu thương mại ở một số quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi vẫn mua bán ngũ cốc “như hiện trạng”, chỉ dựa trên trọng lượng, bất kể tình trạng sạch hay bẩn. Tạp chất như rơm rạ, trấu có thể chiếm tới 10% — điều này không chỉ làm tăng chi phí thực sự của nguyên liệu mà còn giảm năng lượng thực tế cung cấp cho vật nuôi.

2. Bổ sung thêm enzyme

Một số enzyme đặc hiệu có thể cải thiện giá trị năng lượng của ngũ cốc giàu polysaccharide phi tinh bột. Với gia cầm, các enzyme phù hợp có thể giúp tăng đến 150 Kcal AMEn trong khẩu phần. Việc chọn đúng enzyme cho đúng loại ngũ cốc sẽ ngày càng quan trọng khi giá nguyên liệu còn cao.

3. Nghiền mịn

Đã từ lâu, người ta biết rằng nghiền mịn có thể cải thiện hiệu suất tiêu hóa (đặc biệt với heo). Theo một số nghiên cứu, cứ giảm 100 micron kích thước hạt thì hiệu suất sử dụng thức ăn tăng khoảng 1,5%. Tuy nhiên, nếu nghiền quá mịn (dưới 500–600 micron) sẽ làm tăng đáng kể điện năng tiêu thụ tại máy nghiền. Mức 700 micron từng được coi là “điểm cân bằng” hợp lý, nhưng giờ đây cần điều chỉnh tùy vào giá điện thực tế.

4. Cho ăn dạng hạt vỡ hoặc nguyên hạt

Một số loài vật không cần ngũ cốc nghiền mịn – thậm chí còn phát triển tốt hơn với ngũ cốc nghiền thô (ví dụ: gia cầm). Với gia súc nhai lại, chỉ cần ngô nghiền vỡ hoặc lúa mạch nguyên hạt cũng đủ đáp ứng nhu cầu. Việc cho ăn lúa mì nguyên hạt đang được các trang trại gia cầm cân nhắc lại sau khi từng bị xem là không khả thi. Nếu chi phí điện tiếp tục tăng cao, xu hướng dùng ngũ cốc nguyên hạt có thể lan sang nhiều loài vật khác.

5. Vitamin hỗ trợ chuyển hóa carbohydrate

Đây là vấn đề thuộc chuyên môn cao, nhưng cần lưu ý rằng: chuyển hóa carbohydrate đòi hỏi sự có mặt của một số loại vitamin nhất định (đặc biệt là nhóm B). Trong khi người ta hay lo ngại về việc bổ sung vitamin quá mức, thì những vitamin đắt tiền lại thường thiếu trong các premix giá rẻ – ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa năng lượng từ tinh bột.

6. Giá trị năng lượng tùy thuộc giống ngũ cốc

Đây là chủ đề mà tôi luôn tâm đắc từ những ngày đầu bước vào ngành. Ví dụ, không phải loại lúa mì nào cũng giống nhau — lúa mì cứng và mềm có hàm lượng protein rất khác nhau. Trên thực tế, sự khác biệt về giá trị năng lượng giữa các giống lúa mì còn lớn hơn cả sự khác biệt giữa lúa mì nói chung với ngô. Nói cách khác, nếu không biết rõ mình đang dùng loại nào (phân tích nguyên liệu trước khi mua), chuyên gia dinh dưỡng không thể xác định chính xác giá trị năng lượng để đưa vào công thức.

Bài viết được Phú An Khánh biên dịch từ bài 6 ways to improve cereal energy efficiency được đăng tải trên feedstrategy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.