Bên dưới đây là quy trình 6 bước cần biết trước khi lập công thức thức ăn chăn nuôi thành công mà chúng tôi dịch thuật và tinh gọn dựa trên bài viết của feedstrategy.com. Nếu muốn xem bài viết gốc bằng Tiếng Anh, bạn có thể click vào đây

lập công thức thức ăn chăn nuôi
6 bước lập công thức thức ăn chăn nuôi

Bước 1: Xác định đối tượng vật nuôi nhắm đến của công thức 

Xác định đối tượng vật nuôi ở đây không chỉ là tên loài vật mà còn cần thêm các yếu tố cụ thể khác như:

  • Độ tuổi/giai đoạn phát triển
  • Cân nặng
  • Giống/gen
  • Đặc điểm di truyền

Ví dụ như công thức cho gà giống Ross 2-4 tuần tuổi sẽ khác hoàn toàn với giống Cobb cùng giai đoạn. Tương tự, ngay trong cùng giống, thức ăn lúc khởi đầu (starter feed) sẽ có khác biệt đáng kể so với thức ăn giai đoạn hoàn thiện (finisher feed).

Bước 2: Lựa chọn thông số/tiêu chuẩn dinh dưỡng phù hợp

Thông thường các công ty cung cấp giống gà sẽ có bảng công bố ước tính nhu cầu dinh dưỡng cho từng độ tuổi/giai đoạn khi sử dụng cùng sản phẩm của họ. Các chuyên viên lập công thức dinh dưỡng sẽ xem những thông tin này như cơ sở ban đầu và sau đó điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng trang trại/khách hàng mục tiêu.

Ví dụ, một trang trại gà thịt hay gặp tình trạng những con gà tăng trưởng quá nhanh thường chết sớm nên cần có một chế độ ăn với mức năng lượng hoặc dinh dưỡng thấp hơn so với mức khuyến nghị thông thường. 

Khi các công ty giống không công bố bảng nhu cầu dinh dưỡng — hoặc khi chuyên viên dinh dưỡng cho rằng chúng không phù hợp — thì có rất nhiều tổ chức khoa học cung cấp thông tin tương tự. Việc chọn nguồn phù hợp là một trong những chủ đề nóng được tranh luận nhiều nhất giữa các chuyên gia dinh dưỡng, quan trọng hơn hết là những nguồn thông tin đó phải phù hợp với nhu cầu, đồng thời chuyên viên lập công thức cũng có cần có kiến thức vững vàng để chọn lọc thông tin.

Bước 3: Liệt kê nguyên liệu sẵn có kèm theo đặc tính và giá cả của chúng

Thông thường, vật nuôi sẽ hấp thụ dinh dưỡng và năng lượng chủ yếu thông qua các loại nguyên liệu tự nhiên. Vì vậy, các chuyên gia lập công thức dinh dưỡng thường làm việc nhiều với các nguyên liệu thô đầu vào thay vì các chất dinh dưỡng tinh khiết.

Việc lập danh sách các nguyên liệu thô đầu vào kèm theo đặc tính và giá cả là bước cần thiết để lập công thức tối ưu nhất.

Ví dụ cụ thể ở nguyên liệu lúa mì. Không phải loại lúa mì nào cũng giống nhau, có loại cứng, loại mềm, có loại nhập khẩu từ nước ngoài, có loại nội địa và chúng cũng có sự khác biệt lớn về hàm lượng đạm thô/protein thô.

Đạm thô là một trong những yếu tố dinh dưỡng quan trọng hàng đầu trong công thức thức ăn chăn nuôi vì mỗi loài ở mỗi giai đoạn, mỗi giống… đều có những nhu cầu đạm thô khác nhau. 

Quay trở lại lúa mì, mỗi loại đều có những khác biệt đáng kể về thành phần dinh dưỡng, chủ yếu là phụ thuộc vào khu vực, khí hậu trồng chúng. Bạn biết đấy, ngay cả lúa mì cùng giống di truyền cũng vẫn có những tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau nếu chúng trồng ở những nơi khác nhau.

Những thông tin này sẽ vô cùng hữu ích để chuyên gia lập công thức thức ăn chăn nuôi có được một ma trận dinh dưỡng phù hợp cho từng loại nguyên liệu cụ thể. Nếu không làm được, công thức sẽ có nguy cơ thừa, hoặc thiếu các thành phần dinh dưỡng quan trọng. Và tất nhiên chúng không mang lại hiệu quả, đặc biệt là lợi nhuận.

Bước 4: Xác định giới hạn tối đa và tối thiểu

Không phải loại nguyên liệu nào cũng có thể sử dụng tối đa mà không có một giới hạn nào. 

Ví dụ 2 loại nguyên liệu là ngô/bắp và khô dầu đậu nành/bã nành. Chúng thường được cho rằng hiếm khi bị giới hạn trong hầu hết các công thức. Nhưng những loại nguyên liệu khác lại cần có mức giới hạn sử dụng. Có thể vì:

  • Giá đầu vào quá cao
  • Có quá nhiều chất kháng dinh dưỡng 

Cụ thể hơn là bột cá. Nếu dùng quá nhiều mặc dù bột cá có nhiều chất tốt, lượng đạm cao rất phù hợp cho công thức thức ăn dành cho cá chẳng hạn, nhưng nếu thế sẽ làm cho giá thành hàng thành phẩm trở nên quá đắt, khiến người chăn nuôi từ chối mua, dẫn đến doanh thu người bán giảm; Động vật cũng có thể từ chối ăn loại thức ăn có chứa dầu cá, các sản phẩm như trứng, sữa vì nhiễm mùi không yêu thích của chúng.

Vì vậy, trong nhiều trường hợp, cần có mức tối thiểu như với chế độ ăn cho thú non cần các nguyên liệu “xịn” và đắt đỏ.

Bởi vậy mới thấy rằng, những yếu tố trên từ việc xác định độ tuổi, nguyên liệu đầu vào, giá cả… đều rất quan trọng trong việc lập công thức thức ăn chăn nuôi. Không có yếu tố nào là thừa và kém quan trọng.

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự nhạy bén của nhà lập công thức trong việc tăng hoặc giảm giới hạn từ những nghiên cứu và cải tiến chuyên sâu của mình.

Bước 5: Sử dụng phần mềm lập công thức 

Một số nhà dinh dưỡng cho rằng, chỉ cần một chương trình/phần mềm lập trình là đủ để lập công thức thức ăn chăn nuôi khi chỉ cần có đủ dữ liệu, nhập sẵn và bấm enter là xong.

Nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Thông thường, các công ty cung cấp phần mềm không chịu trách nhiệp về dữ liệu, nếu có thì cũng chỉ với mục đích thử nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng.

Không những thế, phần mềm chỉ là một chương trình được thực hiện bởi máy móc nên chúng có thể bị lỗi, đặc biệt là các phần mềm miễn phí.

  • Các chương trình miễn phí cũng có thể bị hạn chế một số các tính năng nâng cao cần thiết cho việc lập công thức.
  • Chương trình bảng tính như Excel của Microsoft với chức năng Solver add-on cũng có thể dùng để tạo chương trình lập công thức chi phí thấp, nhưng điều này đòi hỏi kỹ năng sử dụng bảng tính cao cấp.
  • Còn nền tảng đám mây (Cloud-based programs): Hỗ trợ tốt hơn, nhưng phiên bản miễn phí thường bị giới hạn.
  • Phần mềm chuyên nghiệp: giá cao nhưng có nhiều tính năng hơn. 

Bước 6: Rà soát và điều chỉnh công thức theo giới hạn sản xuất

Bạn nghĩ rằng sau khi chạy công thức thì đã có một công thức hoàn chỉnh? KHông đâu, thực tế thì việc lập công thức chỉ mới thực sự bắt đầu thôi vì chẳng có công thức nào vừa lập ra mà đã hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên.

Các công thức sau khi lập cần phải được xem xét kỹ lưỡng và so sánh với nhau.

Chẳng hạn như công thức có muối hoặc canxi cacbonat – thành phần có chi phí thấp, khi đưa vào ở mức quá cao do thiếu giới hạn dinh dưỡng tối thiểu đặt ra trước đó thì buộc nguyên liệu đắt tiền hơn phải được đưa vào công thức. Nhưng ngay cả sau khi khắc phục những điểm bất thường này, thì vẫn phải xem xét công thức từ quan điểm sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ví dụ, liệu 0,15% lúa mì (1,5 kg mỗi tấn) có phải là thứ cần thiết khi hầu hết các cơ sở trộn thức ăn chăn nuôi đều yêu cầu tải trọng tối thiểu là 5 kg? Hoặc, liệu máy trộn sẽ xử lý được 10% dầu đậu nành hay máy ép viên sẽ xử lý được 40% váng sữa khô? Những câu hỏi này đòi hỏi sự hiểu biết cặn kẽ về quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chính xác nơi mà công thức sẽ được chuyển đổi thành sản phẩm hữu hình thực tế. 

Lập công thức thức ăn là một nhiệm vụ đòi hỏi trách nhiệm cao vì cần phải đảm bảo mọi bước trên được tuân thủ trước khi đưa ra công thức. Bất cứ điều gì có thể gây tổn hại không chỉ cho khách hàng, động vật, môi trường, người tiêu dùng nên được loại bỏ.

Kết luận:

Để phối trộn thức ăn chăn nuôi thành công trong 6 bước, bạn cần biết rằng:

1. Kinh nghiệm thực tế là yếu tố then chốt

Bạn được phép thử và sai, nhờ vậy mới có được kinh nghiệm thực tế để hiểu rõ từng ngóc ngách của việc lập công thức thức ăn.

Biết rằng, ở trường Đại học thường không có đủ cơ sở vật chất để sinh viên phân tích chuyên sâu về việc lập công thức thức ăn, hơn nữa cũng chỉ giảng dạy trong một hoặc hai buổi khiến họ chỉ có thể hiểu ở mức sơ lược. Vậy kinh nghiệm thực tế ở đâu mà có? 

2. Tự học là khó, nhưng không phải bất khả thi

Tất nhiên, việc tự học lập công thức không phải là điều không thể, bạn có thể tìm kiếm sách cùng chủ đề, nguồn học tập từ internet, tìm người hướng dẫn hay khóa học chuyên sâu hơn.

Nhưng quan trọng hơn hết là dám thử và dám sai và kiên nhẫn vượt qua để tự có kinh nghiệm thực tế riêng của chính mình.

3. Công thức thành công đôi khi phụ thuộc vào mục đích sử dụng

Việc có một công thức thành công đôi khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố xung quanh, trường hợp này là do mục đích sử dụng.

Một ví dụ kinh điển từ tác giả bài viết – một chuyên gia dinh dưỡng với gần 30 năm kinh nghiệm khi muốn thay đổi công thức cũ không còn phù hợp với thị trường, nhưng CEO của công ty không muốn và cấm ông thay đổi nó chỉ khi công thức cũ gặp khó khăn với nguyên liệu đầu vào thì ông mới được phép điều chỉnh. Hay ở một ví dụ khác, ông sẵn sàng cập nhật công thức mới cho một khách hàng cũ bằng công nghệ mới nhất nhưng khách hàng của ông vẫn không mảy may đoái hoài đến cho dù công thức mới có hiện đại ra sao. 

Cả 2 ví dụ này đều cho thấy, công thức cũ vẫn còn tốt, nên không cần thiết phải thay đổi. “if it’s not broken, don’t fix it”

4. Quan điểm sai lầm: Chỉ cần phần mềm là đủ

Hầu hết người trong ngành này đều cho rằng, chỉ cần một phần mềm lập công thức là đủ để tạo ra công thức thức ăn mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố đã được liệt kê ở trên từ việc xác định vật nuôi, nguyên liệu đầu vào, giới hạn sản xuất…

Mỗi yếu tố đó cần được xem xét cẩn trọng để có một công thức thành công chứ không phải chỉ dựa vào dữ liệu đầu vào mặc định cho vào phần mềm là đủ.

Tóm lại, để lập công thức thức ăn thành công các yếu tố bên dưới đây đều phải được kết hợp khéo léo và xem xét cẩn trọng. Hơn hết, kinh nghiệm của nhà lập công thức dinh dưỡng cũng góp phần quyết định đến hiệu suất kinh doanh của đơn vị mình.

  • Xác định đối tượng vật nuôi nhắm đến của công thức, 
  • Lựa chọn thông số/tiêu chuẩn dinh dưỡng phù hợp, 
  • Liệt kê nguyên liệu sẵn có kèm theo đặc tính và giá cả của chúng, 
  • Sử dụng phần mềm lập công thức, 
  • Rà soát và điều chỉnh công thức theo giới hạn sản xuất

Bài viết được dịch và biên tập bởi Phú An Khánh từ bài viết Animal feed formulation process explained in six steps đăng tải trên feedstrategy.

Hãy theo dõi Phú An Khánh để đón đọc thêm nhiều bài viết hữu ích nhé!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.