Những vận hội mới
Hành lang pháp lý hoàn thiện
Năm 2020, Cục Chăn nuôi đã xây dựng 02 Nghị định, 4 Thông tư và nhiều TCVN, QCVN; triển khai 3 hội nghị phổ biến hướng dẫn Luật Chăn nuôi đảm bảo tiến độ và nội
dung yêu cầu; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1520/ QĐ-TTg ngày 06/12/2020 về Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Như vậy, từ đầu năm 2021, Việt Nam chúng ta đã có khá đầy đủ các văn bản pháp lý để tập trung phát triển ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững và tăng khả năng cạnh tranh. Đây là động lực rất lớn thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong năm 2021 và những năm tiếp theo trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng.
“Đón sóng” đầu tư lớn chưa từng có trong lịch sử
Các doanh nghiệp trong nước, FDI của ngành chăn nuôi và nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng liên tiếp có những dự án đầu tư quy mô vào chăn nuôi như: C.P Việt
Nam, Minh Dư, Cao Khanh, Dabaco, Cargill, Japfa, GREENFEED, Thaco, Mavin, Hùng Nhơn, Tân Long, Xuân Thiện, KDI Holding… với tổng giá trị đầu tư lên tới cả tỉ USD.
Điều này chứng tỏ sức hút của ngành chăn nuôi đối với các nhà đầu tư. Những dự án này có quy mô lớn, công nghệ cao, chăn nuôi quy trình khép kín, là nền tảng, tiền đề quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam từng bước hiện đại hóa, phát triển bền vững.
Không những vậy, các doanh nghiệp 3F (Feed-Farm-Food) còn có xu hướng bán lẻ, cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng, cắt bỏ khâu trung gian, tối ưu hóa lợi nhuận, đơn cử như C.P đẩy mạnh chuỗi cửa hàng C.P Pork; Masan có chuỗi Vinmart, Vinmart+; CJ Vina Agri đã ra mắt cửa hàng Meat Master; GREENFEED có chuỗi cửa hàng thực phẩm WYN…
Điểm sáng từ xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi
Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi truyền thống như mật ong (sang Hoa Kỳ, EU); thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh đông lạnh, trứng gia cầm, sữa các loại sang các thị trường Hong Kong, Singapore, Malaysia, Myanmar, Trung Quốc…. Mới đây nhất, 12/2020, C.P Việt Nam cũng xuất khẩu lô sản phẩm thịt gà chế biến đầu tiên sang thị trường Hồng Kông.
Còn theo Cục Thú y, Cục đã nộp hồ sơ cho 11 nhà máy sản xuất sữa của Việt Nam cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc và đang chờ phê duyệt. Cục Thú y hoàn tất các thủ
tục để có thể kí Nghị định thư và xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc vào đầu năm 2021. Cùng với đó, 20 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu lông vũ sang thị trường nước này.
Đặc biệt, Cục Thú y đã có những phối hợptích cực với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… với nhiều tín hiệu khả quan để xuất khẩu thịt gà chế biến sang những quốc gia này.
Những tín hiệu tốt từ vắc xin ASF
Năm 2020, theo các cơ quan chuyên ngành, ASF cơ bản đã được kiểm soát. Cùng với đó, những thông tin về vắc xin ASF cũng là một trong những tín hiệu tốt để cứu ngành chăn nuôi lợn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay việc nghiên cứu vắc xin ASF đã làm những điểm tương đương cơ bản và có những kết quả thành công bước đầu tương đối khả quan và chắc chắn. Hiện chuẩn bị cho bước đánh giá khảo kiểm nghiệm, Cục Thú y song hành với Công ty NAVETCO chuẩn bị báo khoa học để thành lập Hội đồng khoa học quốc gia. Cục Thú y sẽ có kế hoạch cụ thể cho Navetco khảo kiểm nghiệm một cách độc lập thật sự chắc chắn.
Ngoài ra, cũng theo Cục Thú y, từ đầu năm đến ngày 9/12/2020, cả nước có 2.099 cơ sở an toàn dịch bệnh tại 51 tỉnh, thành phố (trong đó, số cơ sở an toàn dịch bệnh trên trâu, bò là 83; trên lợn là 1070; trên gia cầm là 899; số cơ sở an toàn dịch bệnh là 17).
Hội nhập sâu rộng với chăn nuôi quốc tế
Hai hiệp định CPTPP và EVFTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực. Đây là cơ hội để ngành tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật mới, khoa học công nghệ mới và cách
tổ chức sản xuất tiên tiến nhiều nước thành viên có nền chăn nuôi công nghiệp, hiện đại, tiên tiến hơn hẳn nước ta.
Cùng các ngành sản xuất khác, ngành chăn nuôi sẽ được thừa hưởng các thuận lợi to lớn từ việc cải cách thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính… theo xu thế hội nhập sâu, rộng. Ngành chăn nuôi sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới, phát triển chăn nuôi theo công nghệ cao với cùng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững và theo hướng xuất khẩu, hiệu quả.
Khi hội nhập, cơ hội lại đến từ chính nội tại, đó là áp lực buộc ngành chăn nuôi phải kiên quyết tổ chức lại sản xuất, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Bản thân những người trong ngành cần đổi mới tư duy, tiếp cận tư duy của hội nhập và chấp nhận cạnh tranh, tư duy sản xuất theo chuỗi, kể cả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội nội tại này rất quan trọng và cũng lại là thách thức mà trong thời gian vàng khoảng 5-10 năm tới đây chúng ta phải vượt qua để không bị thua trên sân nhà.
Muốn thịnh vượng, hãy vượt qua những “chông gai”
Nhìn về tương lai ngành chăn nuôi, câu chuyện thịnh vượng đòi hỏi bản thân mỗi người, doanh nghiệp, đơn vị của ngành chăn nuôi nhìn nhận rõ những yếu kém, những tồn tại để khắc phục và tiến bộ.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, hoạt động chung của ngành chăn nuôi năm qua đang bộc lộ một số bất cập. Đó là sự tăng trưởng chưa bền vững, mới đảm bảo về tăng quy mô chứ chưa gắn kết với dự báo thị trường để có giải pháp quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong điều tiết cung – cầu (ví dụ giá thịt lợn hơi tăng quá cao và kéo dài, ảnh hưởng tới người tiêu dùng; lượng gà nuôi chăn thả và nuôi lấy trứng thương phẩm tăng cao, tạo cung vượt cầu, người chăn nuôi bị thua lỗ).
Yêu cầu chăn nuôi An toàn sinh học, đảm bảo An toàn thực phẩm và vấn đề môi trường chăn nuôi vẫn chưa chú ý đúng mức tương xứng với tăng trưởng chăn nuôi. Ngoài ra, việc tái cơ cấu chăn nuôi ở nhiều địa phương chưa được chú trọng. Việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn quá ít và hiệu quả chưa cao. Cần sớm hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là ở các tỉnh có chăn nuôi hàng hóa lớn.
Đặc biệt vấn đề dịch tả lợn châu Phi vẫn rất nan giải đối với ngành chăn nuôi. Dù đã có những thông tin lạc quan về vắc xin, nhưng chặng đường để vắc xin được sản xuất đại trà và sử dụng vào thực tiễn chăn nuôi vẫn là còn xa. Thời điểm này, an toàn sinh học vẫn là biện pháp duy nhất đối với người chăn nuôi.
Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành còn lúng túng, thụ động, chạy theo sự vụ, thiếu bài bản và giải pháp căn cơ. Điển hình như: mô hình và giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp đối với từng loại vật nuôi; kiểm soát chất lượng giống, môi trường và điều kiện chăn nuôi; cơ sở dữ liệu quản lý ngành chăn nuôi…; tổ chức bộ máy và phương thức tiếp cận trong quản lý ngành chăn nuôi phù hợp với nền kinh tế thị trường còn nhiều bất cập, nhất là ở tuyến địa phương…
Cùng với đó, áp lực của thị trường, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn, thịt gia súc ăn cỏ gia tăng sẽ là những thách thức đối với sản xuất chăn nuôi trong nước. Mặt khác, tình hình dịch Covid 19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp tác động bao trùm các hoạt động kinh tế, xã hội. Cùng với đó, thời tiết, khí hậu ngày càng biến đổi cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Hà Ngân
Nguồn: Nhà Chăn Nuôi