Các chuyên gia trong ngành thực phẩm nông nghiệp cảnh báo về những rủi ro địa chính trị, áp lực dịch bệnh và sự biến động thị trường đang gia tăng. Các nhà sản xuất gia cầm và thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới đang đối mặt với một mạng lưới thách thức phức tạp vượt xa những mối quan tâm truyền thống về chi phí và nguồn cung nguyên liệu vào năm 2025. Mặc dù các yếu tố thị trường vẫn tương đối ổn định, nhưng các chuyên gia ngành chỉ ra rằng đang có nhiều “cơn bão” hình thành trên nhiều mặt trận, theo báo cáo thường niên “Triển vọng thức ăn gia cầm” của Feed Strategy.

nganh-gia-cam
nganh-gia-cam

1. Căng thẳng địa chính trị đe dọa sự ổn định chuỗi cung ứng

Sự bất ổn chính trị và xung đột khu vực đang đặt ra những rủi ro đáng kể đối với nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu.

ông Nan-Dirk Mulder, chuyên gia phân tích protein cấp cao tại Rabobank, nhận định “Những căng thẳng địa chính trị kéo dài, sự thay đổi lãnh đạo chính trị ở các khu vực quan trọng như EU và Mỹ, cùng với tình trạng phân cực gia tăng sẽ tiếp tục tác động đến thương mại và dòng đầu tư toàn cầu, gây ra sự biến động trên các thị trường quốc tế,”. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các quốc gia cung cấp ngũ cốc quan trọng như Ukraine và Nga.

Các loại thuế quan mới và nguy cơ chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận càng làm gia tăng sự bất ổn cho các nhà sản xuất gia cầm và thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, tình hình bất ổn ở Trung Đông tiếp tục có tác động đáng kể, khi xung đột leo thang có thể trở thành một yếu tố gây gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng.

“Khu vực Trung Đông vẫn là một yếu tố quan trọng và có thể gây xáo trộn lớn, chẳng hạn như việc các tuyến vận tải giữa châu Âu và châu Á phải điều chỉnh do các cuộc tấn công tại Biển Đỏ,” Mulder cho biết. “Các quốc gia sản xuất nguyên liệu thô chính có sự khác biệt lớn so với các nước sản xuất phụ gia thức ăn – như vitamin, axit amin – và nguyên tố đất hiếm. Vì vậy, rủi ro vẫn tiếp tục hiện hữu.”

2. Áp lực dịch bệnh vẫn là mối quan ngại lớn

Bên cạnh các thách thức sức khỏe thông thường, ngành gia cầm tiếp tục phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh như cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và bệnh Newcastle – một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, ảnh hưởng đến nhiều loài chim, đặc biệt là gia cầm như gà, vịt, ngan, và chim cút. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm nhất đối với ngành chăn nuôi gia cầm, gây ra tỷ lệ tử vong cao và tổn thất kinh tế lớn.

Mulder nhận định “Cúm gia cầm là một mối đe dọa kinh doanh liên tục, gây ra biến động trong cung ứng và thương mại,”. “Các ca bệnh gần đây trên gia súc sữa là một điều đáng lo ngại và có thể đẩy mạnh xu hướng tiêm phòng như một công cụ để giảm rủi ro cúm gia cầm. Nhìn chung, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng nguồn cung và tạo ra sự biến động liên tục.”

Bà Christine Maziero, Giám đốc chiến lược tiếp thị và công nghệ ngành gia cầm tại Cargill, khuyến nghị các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt và quản lý sức khỏe hiệu quả để đối phó với dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ các vi sinh vật gây bệnh như Salmonella, Clostridium và Enterococcus.

3. Hiệu quả sản xuất chịu áp lực kinh tế

Trước những áp lực từ bên ngoài, các nhà sản xuất tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động khi động lực thị trường buộc họ phải điều chỉnh chiến lược sản xuất.

ông Brian Earnest, chuyên gia kinh tế trưởng về protein động vật tại CoBank, nhận định “Khi người tiêu dùng phản ứng với áp lực lạm phát, các nhà sản xuất ngày càng chú trọng đến các biện pháp giữ giá bán lẻ ở mức thấp”; “Cuối cùng, mong muốn cải thiện năng suất và triết lý ‘làm nhiều hơn với ít hơn’ sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệu quả sản xuất.”

Hạn chế về nguồn lực đang cản trở các kế hoạch mở rộng của các nhà sản xuất gia cầm.

Earnest cho biết “Tình trạng thiếu lao động và chi phí vốn cao sẽ tiếp tục là những yếu tố hạn chế đối với các nhà máy gia cầm mới. Điều này có nghĩa là các công ty chăn nuôi gà thịt sẽ tập trung vào tăng sản lượng thông qua trọng lượng gà thay vì số lượng đầu con,”.

Trong bối cảnh hiện tại, ông dự đoán sẽ có sự gia tăng trong việc hiện đại hóa các nhà máy thức ăn chăn nuôi và đóng cửa những cơ sở lỗi thời.

4. Công nghệ trở thành yếu tố then chốt

Khi các nhà sản xuất tìm kiếm hiệu quả cao hơn trong điều kiện thị trường nhiều thách thức, phân tích dữ liệu tiên tiến và hệ thống cho ăn chính xác đang thay đổi cơ bản cách thức pha trộn, sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi.

“Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với kiến thức dinh dưỡng sâu rộng giúp tối ưu hóa công thức thức ăn theo cách mà vài năm trước đây còn chưa khả thi,” Maziero cho biết. “Giờ đây, không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản mà còn là hiểu rõ các tương tác tinh vi giữa các thành phần và tác động của chúng đến hiệu suất vật nuôi.”

Ông Ismael Roig, Chủ tịch ADM Animal Nutrition, cho biết các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đang ứng dụng công nghệ mới để cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR), chẳng hạn như sử dụng AI để hỗ trợ công thức pha trộn, hay áp dụng cảm biến tại trang trại để theo dõi khả năng hấp thụ dinh dưỡng của vật nuôi.

Maziero đồng tình và bổ sung rằng, “AI sẽ hỗ trợ phân tích dữ liệu liên quan đến sức khỏe đường ruột, giúp điều chỉnh khẩu phần ăn gia cầm một cách chính xác hơn và bổ sung phụ gia thức ăn hợp lý để tối ưu hóa sức khỏe và năng suất.”

5. Nhu cầu bền vững định hình phương thức sản xuất

Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất gia cầm và thức ăn chăn nuôi song hành với các yêu cầu ngày càng tăng về tính bền vững. Các cách tiếp cận về bền vững khác nhau theo từng khu vực, tùy thuộc vào chính sách chính phủ và ngày càng nhiều hơn là yêu cầu từ khách hàng.

Thị trường châu Âu đang hướng tới các hệ thống sản xuất ít thâm canh hơn, trong khi các khu vực khác tập trung vào cải tiến môi trường dựa trên hiệu suất.

“Chúng tôi đang chứng kiến một sự phân hóa thú vị trong cách các thị trường tiếp cận vấn đề bền vững,” Mulder nhận định. “Ở châu Âu, đó là sự thay đổi toàn diện hệ thống; trong khi các khu vực khác ưu tiên cải tiến từng bước trong hệ thống hiện tại.”

Về dài hạn, Roig nhấn mạnh tác động của Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đối với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi.

EUDR đã bị trì hoãn và sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2025, muộn hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.

6. Triển vọng năm 2025

Ngành chăn nuôi gà thịt dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vừa phải vào năm 2025, với nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, Earnest cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.

“Chúng tôi dự đoán nguồn cung ngô và đậu tương sẽ dồi dào, giúp hỗ trợ mức tăng sản lượng vừa phải. Nhưng chỉ cần một cuộc tranh chấp thương mại lớn hoặc một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng cũng có thể nhanh chóng thay đổi toàn bộ cục diện,” ông nói.

Triển vọng ngành năm 2025 có thể được mô tả là “lạc quan nhưng thận trọng.”

Bài viết được dịch từ tựa Macro trends test global poultry, feed sectors in 2025 trên Feed Strategy.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.