Giảm chi phí thức ăn chăn nuôi bài toán lớn mà bất cứ công ty chăn nuôi nào cũng cần phải giải quyết khi giá thành các mặt hàng nguyên liệu chăn nuôi dần trở nên đắt đỏ. Có rất nhiều chiến lược để cắt giảm chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận và dưới đây là 9 cách được tổng hợp từ những nguồn uy tín để nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể tham khảo tùy thuộc vào quy mô, thị trường và hệ thống sản xuất của mình.

Contents
- 1 Xây dựng công thức thức ăn tối ưu nhất
- 2 Phân tích thức ăn chăn nuôi
- 3 Bổ sung và kiểm soát phụ gia thức ăn
- 4 Kiểm soát quy trình sản xuất và phối trộn
- 5 Xuất chuồng sớm hoặc giảm trọng lượng khi xuất chuồng
- 6 Tách đàn theo giới tính
- 7 Cho ăn theo giai đoạn
- 8 Sử dụng nguyên liệu thay thế
- 9 Tối ưu hiệu quả chăm sóc
Xây dựng công thức thức ăn tối ưu nhất
Giảm chi phí thức ăn chăn nuôi có thể áp dụng ở giai đoạn xuất chuồng bằng cách giảm chi phí thức ăn/kg thịt heo xuất chuồng thông qua việc đánh giá, phân tích mật độ dinh dưỡng, hàm lượng đạm thô, axit amin trong công thức.
Cụ thể:
- Theo dõi cẩn thận hàm lượng protein thô của thức ăn chăn nuôi (thức ăn giàu protein và ngũ cốc)
- Giảm thay đổi hàm lượng tinh bột và chất béo của thức ăn giàu năng lượng (sẽ dẫn đến FCR nhất quán)
Phân tích thức ăn chăn nuôi
Chất lượng thức ăn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời tiết, độ chín, cách thu hoạch và bảo quản. Do vậy, việc phân tích thức ăn trước khi đưa vào công thức nhằm đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng đủ và chính xác cho từng loại vật nuôi. Nếu không phân tích thức ăn thì bất kỳ chiến lược bổ sung nào được thực hiện cũng chỉ là phỏng đoán.
Đôi khi, phỏng đoán này cũng không phản ảnh được nhu cầu thực sự của vật nuôi, chẳng hạn cho ăn quá nhiều thì sẽ gây lãng phí tiền bạc, trong khi cho ăn không đủ thì gây lãng phí sản xuất và tiềm năng di truyền của chúng.
Bổ sung và kiểm soát phụ gia thức ăn
Phụ gia thức ăn chăn nuôi là một giải pháp tốt để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng cần xem xét thận trọng những loại phụ gia nào có thể bổ sung, dùng trong giai đoạn nào và mang lại hiệu quả ra sao. Bên cạnh đó, khi kết hợp nhiều loại phụ gia có cơ chế hoạt động tương tự trong cùng một công thức, cần xem xét đến tác động cộng hưởng của chúng.
Theo nghiên cứu của Schothorst về thức ăn chăn nuôi, việc loại bỏ hỗn hợp vitamin và khoáng chất trong tháng cuối trước khi giết mổ không làm ảnh hưởng đến hiệu suất kỹ thuật. Trong đó, các vitamin tan trong chất béo (A, D và E) – chiếm phần lớn chi phí Premix (lên đến 50%) – có khả năng tích lũy trong cơ thể (chủ yếu ở gan) trong suốt quá trình tăng trưởng, do đó ít có nguy cơ thiếu hụt hơn so với các vitamin và khoáng vi lượng tan trong nước.
Vì chi phí Premix vitamin và khoáng chất thường chiếm khoảng 4% tổng chi phí thức ăn, việc tối ưu hóa có thể giúp tiết kiệm khoảng 1% chi phí thức ăn trên mỗi đầu heo xuất chuồng.
Mặt khác, các phụ gia giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và tối ưu hóa khả năng hấp thụ dinh dưỡng có thể góp phần giảm chi phí thức ăn tính trên mỗi kg thịt heo xuất chuồng, ngay cả khi tổng chi phí thức ăn ban đầu có thể tăng. Điều này đồng nghĩa với việc mặc dù giá thức ăn chăn nuôi có vẻ cao hơn, nhưng hiệu quả kinh tế trên mỗi kg thịt heo vẫn được cải thiện đáng kể.
- Một số loại phụ gia khác có thể cân nhắc để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi là các loại đạm. Chúng có thể đến từ bã nành, vỏ đậu nành, đạm lỏng FML, đạm bột Ajitein hay đạm viên Vedafeed… vì giá thành có thể rẻ hơn một số loại đạm thường dùng khác như bột cá hay bột xương thịt.
- Bổ sung chất kích thích tiêu hóa: Việc sử dụng phytase và các enzyme trong khẩu phần ăn đã được chứng minh có thể giúp cải thiện khả năng tiêu hóa một số chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần đảm bảo không vượt quá mức cho phép để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vật nuôi.
- Bổ sung axit amin dễ tiêu hóa: Xây dựng khẩu phần ăn với phốt pho, axit amin dễ tiêu hóa và các nguồn cung cấp năng lượng tinh khiết là phương pháp tối ưu giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thực sự của heo, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn.
Kiểm soát quy trình sản xuất và phối trộn
Tự phối trộn thức ăn giúp kiểm soát chất lượng thức ăn từ ban đầu trong khâu nguyên liệu cho đến thành phẩm cuối cùng. Trong đó, việc nghiền nhỏ thức ăn cũng đáng lưu tâm.
Nghiền nhỏ thức ăn không chỉ giúp các nguyên liệu được trộn đều và cải thiện chất lượng ép viên mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng chất dinh dưỡng trong cơ thể vật nuôi nhờ việc tăng tiếp xúc nhiều hơn với các enzyme tiêu hóa. Đồng thời giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tiêu hóa như loét dạ dày, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Việc này đồng nghĩa với việc giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng GMD (geometric mean diameter) quá thấp (hạt mịn) sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh loét dạ dày, giảm tiêu thụ thức ăn và do đó làm giảm hiệu quả sản xuất; trong trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí có thể gây chết cho động vật.
Nhiều nghiên cứu cho thấy heo được nuôi bằng thức ăn dạng viên có tốc độ tăng trọng trung bình hằng ngày (ADG) cao hơn so với heo ăn thức ăn dạng bột. Thức ăn dạng lỏng cũng mang lại hiệu quả tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng rất tốt, tuy nhiên, chi phí sản xuất, vận chuyển và bảo quản cao hơn đáng kể so với thức ăn khô.
Hiện nay, nhiều trang trại áp dụng giải pháp tự thiết kế công thức và sản xuất thức ăn nhằm tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, chẳng hạn như nhiễm độc tố nấm mốc hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. Do đó, người nuôi cần có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm đủ vững để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của khẩu phần ăn.
Xuất chuồng sớm hoặc giảm trọng lượng khi xuất chuồng
Heo càng lớn, hiệu suất chuyển đổi thức ăn (FCR – Feed Conversion Ratio) càng giảm, tức là để tăng thêm 1kg trọng lượng, lượng thức ăn tiêu thụ sẽ cao hơn so với giai đoạn trước đó. Do vậy, quyết định xuất chuồng sớm người nuôi có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn do không phải nuôi trong giai đoạn mà FCR kém hiệu quả nhất.
Riêng với lợn trên 80kg thì độ dày của mỡ lưng thường tăng nhanh hơn tốc độ tạo cơ và tăng trọng chậm hơn khi mỡ tích tụ nhiều hơn. Do vậy, trọng lượng tối ưu nhất là 115kg khi xuất bán để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Tách đàn theo giới tính
Lợn đực và lợn cái có hiệu suất tăng trưởng khác nhau. Lợn đực thiến thường có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và tiêu thụ nhiều thức ăn trong khi lợn cái thì ngược lại. Còn lợn cái thì lại có chỉ số FCR tốt hơn, nghĩa là ăn ít hơn nhưng lại tăng trọng tốt hơn (nhưng vẫn tăng trưởng chậm hơn một chút so với lợn đực). Do vậy, nếu nuôi chung sẽ có có thể điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp gây lãng phí thức ăn hoặc giảm hiệu suất tăng trưởng chung.
Chiến lược tối ưu nhất để giảm chi phí thức ăn là tách đàn theo giới tính để có thể điều chỉnh khẩu phần riêng biệt cho từng nhóm, giúp tối ưu lượng dinh dưỡng và giảm lãng phí.
Cụ thể:
- Bổ sung nhiều đạm hơn trong khẩu phần cho lợn đực để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh.
- Giảm lượng đạm và năng lượng cho lợn cái vì chúng vẫn có thể duy trì hiệu suất tốt
Khi nuôi chung, lợn đực thiến có thể lớn nhanh hơn, trong khi lợn cái chậm hơn, dẫn đến độ đồng đều thấp khi xuất chuồng. Do vậy việc tách đàn giúp kiểm soát nhóm đồng đều hơn, từ đó tối ưu thời điểm xuất bán, tránh trường hợp phải giữ lại nhóm nhỏ hơn quá lâu, làm tăng chi phí thức ăn.
Cho ăn theo giai đoạn
Nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Nếu dùng một khẩu phần cố định từ nhỏ đến lớn, sẽ có lúc dư thừa hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Ví dụ:
- Heo con cần nhiều protein, axit amin, khoáng chất vi lượng để phát triển khung xương và cơ bắp.
- Heo lớn cần năng lượng cao hơn để tích mỡ và đạt trọng lượng xuất chuồng.
Nếu cho ăn một công thức duy nhất, heo con có thể không đủ chất, còn heo lớn lại dư thừa protein đắt đỏ mà không cần thiết, dẫn đến lãng phí và chi phí cao hơn. Vì vậy cần phải điều chỉnh khẩu phần theo từng giai đoạn giúp tiết kiệm chi phí thức ăn mà vẫn đảm bảo tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, việc cho ăn theo giai đoạn còn giúp cải thiện hiệu suất FCR ở vật nuôi, tối ưu thời gian xuất chuồng từ đó tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi.
Ví dụ:
- Mỗi giai đoạn tăng trưởng có một mức FCR khác nhau, tức là số kg thức ăn cần để tăng 1 kg trọng lượng cơ thể.
- Nếu dùng thức ăn không phù hợp với giai đoạn, FCR sẽ kém đi, nghĩa là vật nuôi ăn nhiều nhưng không tăng trọng tối ưu, làm tăng chi phí chăn nuôi.
→ Điều chỉnh theo giai đoạn giúp FCR tối ưu hơn, cũng giúp giảm thức ăn chăn nuôi trên mỗi kg tăng trọng.
Sử dụng nguyên liệu thay thế
Sử dụng nguyên liệu thay thế có thể giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi nếu lựa chọn đúng loại nguyên liệu phù hợp.
Các nguyên liệu thay thế có giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng giúp tối ưu chi phí mà không ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt chất lượng và cân bằng dinh dưỡng, việc thay thế có thể làm giảm hiệu suất tăng trưởng, tăng tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR), thậm chí gây rủi ro về sức khỏe vật nuôi. Do đó, cần đánh giá kỹ thành phần dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và tính khả dụng của nguyên liệu trước khi thay thế để đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài.
Quý vị có thể tham khảo nguyên liệu đạm thay thế bột cá, bột xương thịt bằng các loại đạm giá thành thấp hơn như bã nành, vỏ đậu nành, đạm lỏng FML, đạm bột Ajitein hay đạm viên Vedafeed… có chất lượng tương đương để có thể đảm bảo giá trị dinh dưỡng cung cấp cho từng loại vật nuôi, từng giai đoạn, từng giới tính…
Tối ưu hiệu quả chăm sóc
Mặc dù là yếu tố gián tiếp nhưng chăm sóc vật nuôi thông qua tắm rửa, chải lông, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tẩy uế định kỳ và đảm bảo mật độ đàn không quá dày đặc (ví dụ khoảng 15-20 con lợn/chuồng)… có ảnh hưởng nhiều đến việc tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi như:
- Cải thiện sức khỏe, giảm bệnh tật: Môi trường sạch sẽ giúp vật nuôi ít mắc bệnh hơn, từ đó giảm chi phí thuốc men và điều trị. Khi vật nuôi khỏe mạnh, chúng hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tối ưu hiệu suất chuyển đổi thức ăn (FCR).
- Tăng hiệu quả tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng: Khi đàn vật nuôi ít bị stress từ môi trường bẩn hoặc dịch bệnh, chúng ăn ngon miệng hơn, hấp thu tốt hơn, hạn chế tình trạng tiêu tốn nhiều thức ăn mà tăng trưởng kém.
- Giảm hao hụt thức ăn: Chuồng trại sạch sẽ, khô ráo giúp hạn chế thất thoát thức ăn do ẩm mốc, nhiễm bẩn hoặc bị lãng phí. Điều này giúp giảm lượng thức ăn bị hỏng và tối ưu chi phí.
- Hạn chế lây lan dịch bệnh: Tẩy uế định kỳ giúp ngăn ngừa dịch bệnh, tránh trường hợp bùng phát dịch phải tiêu hủy vật nuôi, gây tổn thất lớn về chi phí.
Việc giảm chi phí thức ăn chăn nuôi không chỉ giúp tối ưu lợi nhuận mà còn nâng cao hiệu suất chăn nuôi bền vững. Bằng cách áp dụng những giải pháp phù hợp như điều chỉnh khẩu phần ăn, kiểm soát quy trình sản xuất và tối ưu chăm sóc đàn, Quý vị có thể cải thiện hiệu quả kinh tế một cách tối đa. Hãy lựa chọn chiến lược phù hợp để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo chất lượng vật nuôi!
Bài viết được biên tập bởi Phú An Khánh có tham khảo một số nội dung từ pigprogress.net