Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ tháng 9/2020 đến nay, mức tăng có loại lên đến 30%.

Ngoài việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, bà con còn phải cõng thêm hàng loạt chi phí khác như tiêm vaccine phòng bệnh, công chăm sóc… Thực tế này đang khiến cho các hộ chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Nhiều gia đình canh cánh nỗi lo lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi đã buộc phải bỏ trống chuồng.

Lần cuối cùng ông Lũy (thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) xuất bán đàn gà cách đây 6 tháng. Bán xong ông chẳng thu được đồng nào, mà còn phải gánh thêm một khoản nợ 40 triệu đồng do thua lỗ. Bao nhiêu năm chăn nuôi, xoay sở hết lợn đến gà, giờ ông đành bỏ trống chuồng bởi giá con giống, giá cám, tất cả đều tăng mà tiền lại hết.

Hơn chục năm bán thức ăn chăn nuôi ở phố huyện, chưa năm nào ông Thức – chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, huyện Quốc Oai, Hà Nội – thấy giá cám tăng nhiều như năm nay. Là đại lý, ông chỉ biết nhà máy thông báo tăng giá, ông cũng buộc phải tăng theo. Mỗi bao cám loại 25kg đã tăng gần 50.000 đồng. Từ khi giá tăng, khách của cửa hàng nhà ông cũng ít dần đi, lượng cám nhập về giảm 50 – 60% so với trước.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt - Ảnh 1.
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Ảnh minh họa – NLĐ.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, giá thức ăn tăng thời gian qua chủ yếu là do nguyên liệu trong và ngoài nước như ngô, khô đỗ, cám gạo tăng từ 20 – 70% khiến cho giá thành thức ăn chăn nuôi tăng. Trong thời gian tới, nhiều dự báo cho thấy giá thức ăn chăn nuôi còn tiếp tục tăng .

Giá nguyên liệu sản xuất tăng đến 20%, trong khi giá bán ra lại giữ nguyên khiến người chăn nuôi không còn lãi. Cục Chăn nuôi khuyến cáo, lúc này bà con nên tính đến những phương án chăn nuôi bền vững như đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, liên kết chăn nuôi theo chuỗi để hạ giá thành sản phẩm.

Tăng giá thức ăn chăn nuôi không chỉ làm khó cho người nuôi, mà còn có thể dẫn đến tình trạng buôn bán, tiêu thụ thức ăn giả, thức ăn kém chất lượng. Vì thế, việc kiểm soát giá và chất lượng thức ăn chăn nuôi từ các ngành chức năng sẽ giúp người dân yên tâm tái đàn và đảm bảo ổn định nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cho thị trường.

Theo PV

VTV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.