VTV.vn – Nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước thiếu hụt do giá tăng mạnh khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi đối mặt nhiều thách thức.
Thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi giảm công suất
Bắt đầu từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm, giá càng tăng mạnh. Điều đáng nói đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương chưa có dấu hiệu đi xuống, minh chứng trong tháng qua, giá vẫn tiếp tục tăng tới 20%. Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu.
Mỗi tuần phải dừng sản xuất 2 ngày, tăng cường bảo hành bảo trì máy móc, sản lượng cũng giảm tới 50%, đại diện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, hiện càng làm càng lỗ. Vì chi phí đầu vào nguyên liệu tăng gấp đôi, trong khi giá bán sản phẩm tăng nhỏ giọt, chưa tương xứng.
Cũng theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, hiện họ không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ dám mua theo từng tháng, tháng nào mua nguyên liệu đủ dùng cho tháng đấy.
Việt Nam hiện là nước có sản lượng thức ăn chăn nuôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với số liệu khoảng 30 triệu tấn/năm. Chỉ tính riêng năm 2020, các doanh nghiệp bỏ ra 6 – 7 tỷ USD để nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng nhiều đợt, người chăn nuôi thu hẹp quy mô trang trại
Mỗi năm, Việt Nam bỏ ra từ 6 – 7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo các chuyên gia, khi giá nguyên liệu tăng mạnh doanh nghiệp chăn nuôi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên, nhưng chính những người nông dân lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
1/3 số lò ấp trứng của một doanh nghiệp đang phải ngừng hoạt động, doanh thu xuất bán gà con sụt giảm, trong khi chi phí thức ăn đã có tới 4 lần điều chỉnh trong vòng 6 tháng qua. Lo ngại của chủ doanh nghiệp này là xu hướng giá tăng vẫn còn tiếp tục trong năm nay và gần như không có phương án ứng phó gì được, vì họ hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi.
“Với tình hình hiện nay, bà con chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thị trường nông sản khó tiêu thụ, giá rẻ. Khó khăn lớn nhất là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng”, ông Hoàng Minh Ngọc, Giám đốc Công ty giống gia cầm Ngọc Mừng, chia sẻ.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thức ăn chăn nuôi tăng giá ảnh hưởng mạnh nhất đến khối chăn nuôi gia cầm, khi giá gà, vịt, trứng giảm mạnh trong thời gian qua. Giá thức ăn tăng, giá thành phẩm giảm, thua lỗ với hộ chăn nuôi là khó tránh.
“Hai nhóm chính tác động đến giá chăn nuôi trong nước lớn nhất là ngô và khô dầu các loại, nhất là đỗ tương, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động chăn nuôi trong nước, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm”, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.
Còn với khối chăn nuôi lợn, sau 4 lần tăng giá, hiện mỗi kilogram cám đã tăng tới 1.000 đồng. Đáng nói, theo một chủ trang trại ở huyện Đông Anh, Hà Nội, giá thức ăn tăng chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều hộ chăn nuôi không dám nghĩ đến việc tái đàn và tăng đàn tại thời điểm này.
Rủi ro, khó khăn là thực tế mà cả doanh nghiệp và bà con chăn nuôi đang gặp phải. Việt Nam vốn là nước sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn cung bị đứt gãy, một lần nữa cho thấy ngành chăn nuôi trong nước đang phụ thuộc gần như 100% vào nguyên liệu nhập khẩu.
Mỗi năm, toàn ngành nông nghiệp có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, khoảng dưới 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại, hơn nữa các loại ngô, đậu tương, lúa mì lại không phải cây trồng thế mạnh của Việt Nam.
“Các nguyên liệu của chúng ta thiếu lại là thế mạnh của nước Nam Mỹ và Bắc Mỹ như Mỹ, Argentina, Brazil, châu Âu, Nga…. Đây là những nước có lợi thế về sản xuất ngũ cốc, trong khi ta không có lợi thế nên chúng ta phải nhập trong thời gian qua. Đó cũng là quy luật bình thường của kinh tế thị trường. Tuy nhiên nó cũng gây ra sự phụ thuộc của sản xuất trong nước với nguồn nhập khẩu”, ông Nguyễn Xuân Dương Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Nhận định xu hướng giá nông sản
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, thị trường hàng hóa, trong đó có các mặt hàng như ngô, đậu tượng hay lúa mì sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Một số nguyên nhân được chỉ ra như: triển vọng đồng USD sẽ vẫn duy trì yếu; kỳ vọng lạm phát sẽ quay lại do các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa sẽ chưa dừng lại; thời tiết bất lợi tại nhiều nơi như hạn hán ở Nam Mỹ, mưa nhiều ở Malaysia và Indonesia.
Nguyên nhân quan trọng nhất đến từ nhu cầu lớn hơn từ Trung Quốc. Nước này đang gia tăng nhập khẩu ồ ạt nông sản ở mức độ cao bất thường.
Dự báo trong năm nay, Trung Quốc tăng gấp 3 lần nhập khẩu ngô, tăng gấp đôi nhập khẩu lúa mì, gia tăng mua gom đậu tương và nhiều loại ngũ cốc khác.
Nguồn: vtv.vn