Gạo Việt lên kệ siêu thị Pháp, Việt Nam ký nhiều nghị định thư, nhiều hàng hóa xuất khẩu lập kỷ lục mới…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm đạt kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Kết quả này giúp xuất khẩu nông – lâm – thủy sản Việt Nam thiết lập kỷ lục mới. Đây cũng là năm mà thặng dư thương mại toàn ngành tăng cao, ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Nhóm này tăng trưởng vượt bậc trước tiên là nhờ sự đóng góp của ngành thuỷ sản. Theo VASEP, bất chấp ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và chính sách “Zero Covid-19’” từ thị trường Trung Quốc, hết năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản lần đầu đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so với kế hoạch 9 tỷ USD.
Trong đó, tôm và cá tra là hai ngành có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt đạt 4,2 tỷ USD và 2,35 tỷ USD, tăng 13 và 70% so với cùng kỳ năm trước.
Với nhóm nông sản, không đạt kết quả cao kỷ lục như thủy sản nhưng vẫn có nhiều nông sản bứt phá về doanh số. Trong đó, một số mặt hàng đạt kỷ lục mới như xuất khẩu cà phê gần 4 tỷ USD, gạo 3,49 tỷ USD.
Với cà phê, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất với thị phần chiếm khoảng 39% tổng khối lượng xuất khẩu, nhờ lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Trung Quốc tăng Nga Anh Ấn Độ tăng 15-116%. Đặc biệt, thị trường Mexico tăng đột biến gấp 52 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Gạo – sản phẩm chủ lực – lần đầu tiên ghi dấn ấn khi có thương hiệu riêng trên thị trường thế giới sau 20 năm vô danh hoặc phải đóng gói dưới nhãn hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài.
Trong đó, các nhãn hiệu gạo như ST24, ST25, “Cơm Vietnam Rice” đã đóng gói trong bao bì riêng của doanh nghiệp Việt và được đăng ký mẫu mã quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm được trưng bày trên kệ siêu thị Pháp, EU, Australia.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ – USDA, thị trường này rất chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25 của Việt Nam. Đây là loại gạo có sản lượng nhập khẩu sang nước này tăng đột biến trong hai năm nay qua.
Để gạo chất lượng cao Việt Nam khẳng định được vị thế, mới đây Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông xây dựng đề án sản xuất bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kỳ vọng, sản lượng gạo chất lượng cao không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà cả xuất khẩu. Hiện gạo Việt cũng xuất sang 28 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.
Bên cạnh 2 nông sản trên, nửa cuối năm, hoạt động xuất khẩu trái cây của Việt Nam cũng đã bớt căng thẳng khi thị trường có nhiều thông tin tích cực.
Trong tháng 11, ngành này có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ như Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang, xuất khẩu tổ yến (yến sào) từ Việt Nam sang Trung Quốc. Như vậy, khoai lang và tổ yến sẽ là sản phẩm nông sản thứ 12 và 13 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Tháng 9, Trung Quốc cũng ký một loại nghị định thư cho xuất khẩu chuối, sầu riêng chính ngạch vào nước này. Sau động thái này, giá chuối và sầu riêng của Việt Nam tăng liên tục. Trong tháng 10, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 50 triệu USD, tăng 4.000% so với cùng kỳ năm 2021; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%…
Với các thị trường khác, Việt Nam đã hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand. Mới đây, trái bưởi tươi – loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Cuối tháng 12, Trung Quốc thông báo hạ cấp độ ứng phó với dịch Covid-19, ngừng cách ly bắt buộc với hành khách nhập cảnh nước này từ ngày 8/1/2023. Động thái tiến tới gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” được Trung Quốc duy trì gần 3 năm qua, chuyển sang sống chung với dịch bệnh. Tín hiệu này giúp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn sang nước này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, năm nay khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã đưa ra kịch bản, các đối sách để tháo gỡ.
Khi giá xăng dầu nhiều biến động, ngành nông nghiệp giảm khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng để đảm bảo nguồn cung. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu đứt gãy, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng các thị trường kể cả Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU và gần đây là Trung Quốc. Nhờ đó, xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản cũng xuất hiện những thách thức. Xung đột Nga – Ukraine sẽ tiếp tục tác động mạnh đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xây dựng giải pháp để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Trong đó, Bộ sẽ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý quá trình sản xuất, chế biến… Cơ quan này cũng đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, đưa các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tham gia xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các khu vực cửa khẩu…
Nguồn: Báo VnExpress
Phú An Khánh | Tận Lực Tận Tâm Nâng Tầm Dịch Vụ
———————–
- Liên hệ tư vấn và hợp tác tại:
- Địa chỉ: 30/2D, Đường 8, Khu phố 5, Phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, TP. HCM
- Email: tuongvi@phuankhanh.net