Thức ăn nuôi lươn là một trong những yếu tố quan trọng để có một đàn lươn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà chăn nuôi bên cạnh các yếu tố kỹ thuật nuôi. Hiện nay, mô hình nuôi lươn không bùn đang được ứng dụng ở nhiều nơi vì nhiều ưu điểm như môi trường nuôi sạch sẽ, dễ kiểm soát kích thước lươn… Hôm nay, kính mời Quý vị cùng Phú An Khánh theo dõi chi tiết bài viết thức ăn nuôi lươn và tiết lộ kỹ thuật nuôi lươn từ chuyên gia nhé!

thức ăn nuôi lươn
Thức ăn nuôi lươn

Thức ăn nuôi lươn là gì?

Lươn là một loài động vật ăn tạp, vì thế thức ăn nuôi lươn rất đa dạng như tôm, tép, các loại cá nhỏ, côn trùng hay rau…

Ngoài ra, người chăn nuôi còn có thể bổ sung vào thức ăn nuôi lươn bằng các loại tấm, cám, bột đạm,… để làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn giúp lươn mau lớn, giảm bệnh tật.

Đặc điểm của loài lươn như thế nào?

Lươn là loài thủy sản nước ngọt, trước đây thường được đánh bắt từ các vùng đầm lầy, đồng ruộng, những nơi nhiều nước, bùn với khí hậu mát mẻ.

Ngày nay, lươn được nuôi công nghiệp hóa bằng mô hình không bùn để có năng suất và chất lượng tốt hơn.

Lươn có những đặc điểm như:

  • Ăn tạp, có thể ăn tép, cá nhỏ, côn trùng, ấu trùng, các loài động vật phù du. Ngày nay, thức ăn nuôi lươn đa dạng hơn từ cám viên công nghiệp.
  • Thích chui rúc vào hang
  • Thích nhiệt độ mát mẻ từ 22-25 độ C
  • Kích thước từ 20mm – 15 cm với lươn con, 30 – 60cm đối với lươn “thiếu niên” và khi trưởng thành có thể đạt chiều dài từ 60 – 80 cm, một số con có thể dài tới 1m.
  • Lươn sinh sản lưỡng tính và đẻ trứng
  • Khi nở, lươn sẽ là con cái, sau hơn 8 tháng (> 1 tuổi) chúng sẽ chuyển dần thành con đực
  • Số lượng trứng phụ thuộc vào độ dài của lươn, lươn tầm 20cm thì đẻ từ 200 – 400 trứng, lươn khoảng 30cm đẻ tầm 300 – 500 trứng, lươn khoảng 40cm thì đẻ tầm 1000 trứng.

Các mô hình nuôi lươn phổ biến hiện nay

Hiện nay có 2 mô hình nuôi lươn phổ biến bao gồm: nuôi lươn bùn và nuôi lươn không bùn.

MÔ HÌNH NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN NUÔI LƯƠN BÙN
Ưu điểm – Tận dụng được chuồng trại cũ để nuôi lươn, không cần diện tích đất rộng.

– Dễ kiểm soát điều kiện nuôi như lượng và chất lượng nước, nhiệt độ.

– Giảm thiểu rủi ro trong khâu kiểm soát môi trường và bệnh tật ở lươn, dễ dàng cách ly và chữa bệnh, giảm nguy cơ hao hụt. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống của mô hình nuôi lươn không bùn là 66,0% cao hơn nuôi lươn có bùn chỉ đạt 59,3%.

– Giống môi trường sống tự nhiên của lươn

– Hạn chế lươn bị stress và mắc bệnh

– Chất lượng thịt lươn dai hơn

– Không cần điện, thiết bị cấp oxi, hay thay nước thường xuyên. Giảm được chi phí.

Hạn chế – Bắt buộc nguồn nước ổn định, chất lượng, tránh ô nhiễm

– Cần đầu tư ở giai đoạn đầu bao gồm thiết bị lọc nước, kiểm soát chất lượng nước. 

– Đòi hõi kỹ thuật nuôi cao

– Yêu cầu về nguồn thức ăn cho lươn từ thức ăn nhân tạo nên có thể tăng chi phí sản xuất

– Lươn có thể bị stress nhiều hơn vì không có môi trường bùn như tự nhiên

– Khó kiểm soát trong khâu chăm sóc lươn và môi trường sống. Cần thường xuyên quản lý bể nuôi để tránh ô nhiễm; kiểm soát mức độ bùn.

– Khó kiểm soát bệnh tật và chữa bệnh cho lươn

– Thời gian nuôi lâu hơn từ 8 – 9 tháng

Khó thu hoạch hơn

Tiết lộ kỹ thuật nuôi lươn từ chuyên gia

Để nuôi lươn thành công và có hiệu quả cao, người nuôi cần lưu ý vấn đề chính sau bao gồm:

  • Bể nuôi lươn & giá thể
  • Lươn giống và mật độ thả lươn
  • Thức ăn nuôi lươn
  • Chế độ chăm sóc (gồm cho ăn và bệnh tật)

Bể nuôi lươn & giá thể

Yêu cầu bể nuôi lươn

  • Nên xây ở vị trí yên tĩnh, hạn chế người qua lại. Có thể xây thêm mái che hoặc cây tán rộng để che nắng, gió.
  • Có bóng mát, gần nguồn nước để dễ lấy nước và thoát nước. 
  • Có thể dùng bạt nilong dầy, tránh thoát nước để làm bể hoặc xây bể xi măng diện tích khoảng 20m2, chiều cao từ 1 – 1,2m
nuôi lươn không bùn
Nuôi lươn không bùn

Yêu cầu nước

  • Phải được lọc và diệt khuẩn và ký sinh trùng trước khi đưa vào bể 
  • Mực nước từ 20 – 30cm và thấp hơn miệng bể từ 40 -50cm

Yêu cầu giá thể

  • Có thể thả các loại rau như rau nhút, rau đắng… để tạo môi trường sống giống tự nhiên cho lương
  • Giá thể góp phần giảm stress cho lươn, giúp lươn chui rúc như trong hang tự nhiên có thể dùng giá thể bằng nhựa được thiết kế lỗ chui được bán sẵn trên thị trường, hoặc dùng gạch ống, hay ống nhựa tự chế,…

Lươn giống và mật độ thả lươn

Yêu cầu lươn giống

  • Kích thước phù hợp tầm 30 – 60 con/kg. Vì nếu nhỏ quá sẽ khó chăm sóc hơn, dễ chết, hao hụt nhiều và thời gian nuôi kéo dài.
  • Nên chọn lươn giống có màu vàng sẫm vì đây là loại có tốc độ lớn nhanh và phát triển tốt nhất so với 2 loại còn lại là màu vàng xanh và xám tro.
  • Cần lưu ý nguồn mua giống uy tín, đặc biệt nếu chọn lươn giống từ 10 – 20 con/kg vì chúng thường dễ chết sau 1 tháng nuôi vì bị giãn cột sống khi đánh bắt. 
  • Lươn thả cùng 1 bể phải đồng đều kích cỡ để tránh tranh giành thức ăn, lớn không đều ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Ngoài ra, xem xét kỹ lươn giống khỏe mạnh và không bị sây sát.

Yêu cầu mật độ thả

  • Phù hợp và tốt nhất là từ 60 – 80 con/m2.
  • Trước khi thả lươn giống, phải tắm lươn qua nước muối từ 2-3% trong vòng 3 đến 5 phút nhằm sát trùng và loại bỏ những con lươn yếu. Khi thấy lươn bắt đầu lao lên mặt nước thì thay nước sạch vào và vớt lươn thả vào bể nuôi.

Theo chia sẻ từ ông Dũng, người đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, ngụ tại ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ cho biết, “với bể nuôi 20m2 (4m x 5m), ông thả 50 kg lươn giống (loại 30 con/kg), mật độ thả 75 con/m2, tỷ lệ sống 70%. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, lươn đạt trọng lượng từ 180 – 200g/con, thu hoạch khoảng 200 kg lươn thịt, bán với giá bình quân 125.000 đồng/kg. Ước tính, nếu trừ đi các khoản chi phí về (con giống, thức ăn, dụng cụ làm bể bạt, công chăm sóc,…), mỗi bể ông thu gần 12 triệu đồng.”

Thức ăn nuôi lươn

Yêu cầu nguồn thức ăn

  • Lươn là loài ăn tạp, nên có thể ăn được hầu hết các loại động vật nhỏ, côn trùng, ấu trùng.
  • Cho lươn ăn thêm thức ăn công nghiệp để lớn nhanh hơn và đạt năng suất cao hơn

Yêu cầu cách phối trộn thức ăn nuôi lươn

Tỷ lệ phối trộn thức ăn cho lươn rất quan trọng nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, giúp lươn khỏe mạnh, phát triển tốt. Thông thường, tỷ lệ cân bằng là 7:3

  • 7 phần là thức ăn tươi như cá, tôm, ốc hay các phụ phẩm từ lò mổ, hay công nghiệp chế biến thủy hải sản
  • 3 phần là cám công nghiệp, hạn chế dùng cám cho cá da trơn vì chúng chứa nhiều lipid khiến lươn dễ mắc bệnh về tiêu hóa,…; hoặc có thể thay thế bột đậu nành, cám gạo, bột cá… 

Có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia nuôi lươn trong ngành về tỷ lệ đạm, bộ sung đủ độ đạm giúp lươn phát triển nhanh hơn vì đạm có công dụng tăng cơ, mô, tế bào, thúc đẩy hệ miễn dịch…

Chế độ chăm sóc

Cách cho lươn ăn hiệu quả có hiệu suất cao

  • Khi mới thả, lươn cần được làm quen dần với thức ăn bằng cách bỏ đói 2-3 ngày.
  • Những ngày đầu tiên cho ăn 1-2 lần, lượng ăn từ 5 – 7% trọng lượng lươn trong bể nuôi. Tránh cho ăn quá nhiều vì chưa quen thức ăn, quá đói ăn tham dẫn đến bội thực và chết. Nhưng cũng không cho quá ít vì chậm lớn.
  • Cho lươn ăn ở những vị trí cố định và thuận tiện để tất cả lươn trong bể được ăn đồng đều.
  • Cho lươn ăn trong khung thời gian cố định để tập thói quen ăn đúng bữa, ăn đều và ăn nhiều; đồng thời giảm thiểu thức ăn thừa gây ô nhiễm nước. Thông thường bữa chính từ 16-18h hằng ngày.
  • Sau mỗi lần cho ăn, cần theo dõi để vớt thức ăn thừa ra khỏi bể nuôi để tránh ô nhiễm nước.
  • Khi thời tiết lạnh, âm u và có mưa cần giảm lượng thức ăn.
  • Khi thay đổi nguồn thức ăn, phải thay đổi dần để lươn thích nghi, không nên thay đổi đột ngột.
  • Giai đoạn mới thả lươn cần cung cấp đủ thức ăn nếu không chúng sẽ tranh ăn, thậm chí ăn thịt nhau.
  • Nên bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng đề kháng và hệ tiêu hóa khỏe mạnh cho lươn. 
  • Thức ăn của lươn phải sạch, không dùng đồ ôi thiu để tránh nhiễm các bệnh về ký sinh trùng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cũng giúp lươn khỏe và ít bệnh hơn.

Kiểm soát dịch bệnh

  • Để kiểm soát tốt chất lượng lươn, cần quan tâm đến nguồn nước, vì lươn là loài động vật da trơn, có sự mẫn cảm cao đối với nguồn nước, vì vậy:
  • Bắt buộc lọc và diệt khuẩn trước khi đưa vào bể nuôi, giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây bệnh cho lươn
  • Bắt buộc vớt thức ăn thừa ra khỏi bể nếu lươn không ăn hết để tránh ô nhiễm nước, gây bệnh cho lươn
  • Thay toàn bộ 100% lượng nước trong bể hằng ngày. Duy trì mực nước để vừa ngập các giá thể. 

Hoặc ứng dụng cách nuôi của anh Nguyễn Thành Tân (31 tuổi, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), không cần thay nước hằng ngày, thay vào đó tận dụng giá thể vi sinh để xử lý nước, có thể tái sử dụng nước, giúp nước nuôi lươn ít bị xáo trộn, giúp lươn sống ổn định, ít bệnh tật.

Xem thêm công nghệ nuôi lươn, lãi 500 triệu/năm. Nguồn: Báo Thanh Niên

Một số dịch bệnh thường mắc ở lươn cần lưu ý:

  • Bệnh giun sán: vì lươn ăn tạp, nên dễ nhiễm giun sán từ nguồn thức ăn. Vì vậy, định kỳ tẩy giun 15 ngày/lần bằng cách trộn thuốc nội và ngoại ký sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc.
  • Bệnh đường ruột: Dễ phát hiện nhất khi thấy phân lươn nổi trên mặt nước, một phần có thể do trong thức ăn có chất bảo quản, vì vậy cần trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn ăn, không dùng chất kháng sinh hay hóa chất để can thiệp bệnh.
  • Bệnh nấm da: Trên da lươn xuất hiện các đốm trắng dạng bông gòn do nấm tấn công các vết trầy xước trên da khi lươn bị xây xác trong quá trình nuôi. Khi đó, cần sử dụng Loddie để tắm cho lươn, tuyệt đối không dùng BKC vì sẽ làm tuột nhớt.

Thu hoạch lươn

  • Khi lươn đạt kích thước từ 200 – 250 gam/con thì có thể thu hoạch.
  • Khi thu hoạch cần lưu ý rút hết nước, sau đó bắt lươn để rửa sạch bằng nước và cho vào khênh tre sức chứa 15 – 20kg lươn, có lớp lót cao su dày bên trong để tránh lươn bị trầy. 
  • Sau đó cho nước sạch vào, cách miệng khênh 2 tấc.
  • Tiếp đó, dùng lưới lỗ đậy kín miệng khênh và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Tóm lại, thức ăn nuôi lươn là một trong những điều kiện quan trọng khi nuôi lươn ngoài các yếu tố kỹ thuật, môi trường nuôi bởi vì lươn là loài nhạy cảm. Chính vì vậy, bài viết thức ăn nuôi lươn và kỹ thuật nuôi lươn được chia sẻ bên trên sẽ giúp quý vị phòng tránh được những rủi ro khi nuôi lươn cũng như những cách thức làm thế nào để nuôi lươn đạt hiệu suất cao nhất!

Hãy theo dõi Phú An Khánh để đón đọc những bài viết bổ ích nhất nhé!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.