Đồng Nai được đánh giá là thủ phủ của ngành chăn nuôi cả nước. Trong các sản phẩm chăn nuôi, mặt hàng lợn và gà nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Để tiếp tục phát huy vị thế của ngành chăn nuôi này, tỉnh Đồng Nai xác định tiếp tục tập trung phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và liên kết chuỗi tiêu thụ một cách chặt chẽ.
Chọn lọc công nghệ cao
Tháng 11/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 4000/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, chia sẻ việc ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất, nhất là tập trung vào những nông sản và sản phẩm chăn nuôi thế mạnh của Đồng Nai nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu sản phẩm; xây dựng tốt thị trường xuất khẩu, ổn định bền vững thị trường trong nước.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đã xây dựng được liên kết chuỗi với người chăn nuôi theo hình thức gia công.
Trong chuỗi này, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hiện không ít các hợp tác xã chăn nuôi cũng đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp với chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bà Mai Thị Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục 3A, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện công ty có nhiều đề án phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; trong đó có đề án ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi lợn và gà.
Mục tiêu của các đề án là ứng dụng một cách chọn lọc các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao của Israel vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước, xuất khẩu và nguyên liệu cho ngành chế biến.
Khi các đề án thành công và đủ điều kiện nhân rộng, ngành nông nghiệp Đồng Nai hướng đến xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi chuyên canh, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên cơ sở khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, góp phần nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu của người dân khu vực nông thôn.
Hiện đề án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi đến tối đa để nhanh chóng đưa nền nông nghiệp, chăn nuôi Đồng Nai đi đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đẩy mạnh xây dựng chuỗi
Tiến tới mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao là cả quá trình học hỏi và tìm hiểu nhu cầu của thị trường tiêu thụ.
Do đó, khi đã có mục tiêu, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhanh chóng xây dựng chuỗi liên kết các đơn vị gồm nhà nước, nhà khoa học, trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nông dân, truyền thông để đẩy mạnh ngành chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh đã huy động sự tham gia của các lực lượng nghiên cứu, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, công nghệ trong tỉnh, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, cho biết Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn trong chăn nuôi lợn. Các doanh nghiệp và hợp tác xã chăn nuôi, hộ chăn nuôi lợn tái đàn trên cơ sở phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn sinh học.
Tỉnh Đồng Nai cũng đang làm việc với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có đủ điều kiện an toàn về phòng chống dịch bệnh để tăng cường phát triển đàn giống, có nguồn cung cấp cho các hộ chăn nuôi.
Đồng Nai đã có chính sách khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn cho nông dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp, người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn trong chăn nuôi lợn trên cơ sở phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn sinh học.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 132 chuỗi liên kết đã được hình thành, với sự tham gia của 67 doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến, 52 hợp tác xã và 18 tổ hợp tác; trong đó, có 84 chuỗi trồng trọt, 29 chuỗi chăn nuôi, 4 chuỗi thủy sản và 15 chuỗi chợ an toàn thực phẩm.
Năm 2019, giá trị sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua hình thức liên kết đạt 40,85%, vượt chỉ tiêu tái cơ cấu đề ra 20%, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã đặt mục tiêu xác định tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 70% giá trị toàn ngành nông nghiệp.
100% lao động trong các trang trại, hợp tác xã được tập huấn, bồi dưỡng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được đội ngũ nhân sự, chuyên gia nông nghiệp, lực lượng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết là 90% đối với chăn nuôi, 60% đối với trồng trọt, và 50% đối với thủy sản./.
Hồng Nhung-Thanh Trà-Minh Hưng
TTXVN/Vietnam+