Hệ miễn dịch có sự đóng góp to lớn từ dinh dưỡng, kết hợp với nhiều yếu tố khác như môi trường, tình trạng sức khỏe, yếu tố di truyền. Trong đó, giai đoạn cai sữa là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với heo con vì nó có thể gây ra những tác động căng thẳng dẫn đến những thay đổi đáng kể đến sức khỏe của chúng. Đặc biệt là có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng cấp tính, làm thay đổi cân bằng nội môi và ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật.
Căng thẳng cai sữa gây tăng hành vi cạnh tranh và nồng độ cortisol, qua đó ức chế sự tăng sinh của tế bào lympho, hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và hóa hướng động bạch cầu trung tính. Hiểu biết về các cơ chế miễn dịch của heo con trong giai đoạn này là rất cần thiết để cải thiện phúc lợi của chúng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Việc cai sữa sẽ có những tác động tiêu cực, cụ thể:
- Căng thẳng kéo dài khiến heo con giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn ít đi.
- Sự phân hóa trọng lượng trong đàn không đồng đều, gây ảnh hưởng kinh tế
- Thiếu chất khiến hệ miễn dịch kém, giảm khả năng chống nhiễm trùng, dễ tổn thương
Do vậy, cần lưu ý rằng dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch và có sự tương tác với các thành phần dinh dưỡng khác nhau cùng với các yếu tố khác như môi trường, tình trạng sức khỏe và di truyền.
Contents
Vai trò của hệ miễn dịch
Việc heo con có xảy ra các triệu chứng bệnh khi nhiễm virus hay không là do mối quan hệ giữa virus và hệ miễn dịch của vật chủ. Nếu hệ miễn dịch tốt, dù có nhiễm virus gây bệnh nghiêm trọng thì thậm chí heo con cũng có thể không xuất hiện triệu chứng nào.
Ngược lại, nếu hệ miễn dịch kém khiến virus dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể thì sẽ khiến tế bào bị phá hủy, các phản ứng viêm xuất hiện trong một vài trường hợp, và đương nhiên có thể gây tổn thương cho vật chủ.
Cơ chế miễn dịch của các tế bào trong cơ thể heo con
Hệ miễn dịch của heo con bao gồm một số loại tế bào quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong việc chống lại mầm bệnh như:
- Tế bào lympho T
- Tế bào lympho Th1 và Th2
- Interferon gamma (IFN-γ)
Tế bào lympho T – T Lymphocytes
Tế bào lympho T là các tế bào lưu thông giữa máu, các cơ quan bạch huyết thứ cấp và các mô ngoại biên ngoài bạch huyết.
Chúng được tìm thấy ở ba trạng thái chức năng:
- Trạng thái Naive: là trạng thái mà lympho T chưa từng gặp bất kỳ một kháng nguyên nào trước đó, chưa thực sự tham gia vào bất kỳ phản ứng miễn dịch nào. Là trạng thái chuẩn bị, sẵn sàng “đợi lệnh”.
- Trạng thái Memory: là trạng thái mà lympho T đã từng gặp một kháng nguyên cụ thể ít nhất một lần, nhưng đã ngừng hoạt động và được lưu trữ trong cơ thể để ghi nhớ kháng nguyên đó. Hệ miễn dịch sẽ có phản ứng nhanh hơn và mạnh hơn với mầm bệnh tương tự ở lần sau vì lympho T đã sẵn sàng phản hồi.
- Trạng thái Effector: là trạng thái cao độ của lympho T. Chúng được kích hoạt ngay lập tức để thực hiện chức năng chính trong việc loại bỏ mầm bệnh hoặc tế bào bất thường.
Tế bào Effector Th lymphocytes
Các tế bào Effector Th lymphocytes đa dạng về chức năng, được biệt hóa dựa trên hoạt động của các cytokine khác nhau, đảm nhận những vai trò cụ thể trong hệ miễn dịch và được phân loại dựa trên phản ứng của chúng bao gồm:
- Naive Th lymphocytes: chúng chủ yếu sản xuất interleukin-2 (IL-2) khi được kích hoạt
- Effector Th lymphocytes: tạo ra một lượng lớn và đa dạng các cytokine với các hoạt động sinh học phong phú.
Phản ứng Th1 và Th2 là phản ứng miễn dịch được trung gian bởi các tập hợp con riêng biệt của tế bào lympho Th, các tế bào cần thiết cho sự điều hòa của hệ thống miễn dịch.
Quá trình biệt hóa Th1
Phản ứng Th1 có liên quan đến khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đặc điểm của nó bao gồm:
- Sản xuất IL-2 và IFN-γ: Những cytokine này kích hoạt các đại thực bào, cần thiết trong việc bảo vệ chống lại các mầm bệnh nội bào, chẳng hạn như một số loại virus và vi khuẩn.
- Thúc đẩy tình trạng viêm: Phản ứng Th1 là chìa khóa trong phản ứng viêm và có liên quan đến một số bệnh tự miễn.
Quá trình biệt hóa Th2
Phản ứng Th2 tập trung vào khả năng miễn dịch dịch thể hoặc sản xuất kháng thể và rất cần thiết để chống lại ký sinh trùng ngoại bào và các chất gây dị ứng:
- Sản xuất IL-4, IL-5 và IL-10: Những cytokine này kích thích tế bào B tạo ra kháng thể, đặc biệt là IgG4 và IgE.
- Trung hòa virus: IgG4 có hiệu quả trong việc trung hòa virus, trong khi IgE kích hoạt sự thoái hóa tế bào mast.
Ngoài ra, phản ứng Th2 có thể điều chỉnh và ngăn chặn một số khía cạnh nhất định của miễn dịch qua trung gian tế bào liên quan đến phản ứng Th1, giúp cân bằng hệ thống miễn dịch.
Vai trò của dinh dưỡng trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch
Dinh dưỡng đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến sự phân biệt phản ứng Th1 và Th2.
Axit béo không bão hòa đa omega-3 và omega-6: có tác dụng ngược lại với nhau đối với tình trạng viêm và phản ứng miễn dịch.
- Omega-3, được tìm thấy trong cá béo và một số loại dầu thực vật, có đặc tính chống viêm và có thể thúc đẩy phản ứng Th2. Ngược lại,
- Omega-6, được tìm thấy trong các loại dầu thực vật như dầu hướng dương hoặc dầu ngô, có thể thúc đẩy phản ứng Th1 gây viêm.
Vitamin D, A và E: cũng đóng vai trò điều hòa miễn dịch.
- Vitamin D có thể thúc đẩy quá trình biệt hóa tế bào T điều hòa và ngăn chặn phản ứng Th1.
- Vitamin A và các dẫn xuất của nó (retinoids) có thể ảnh hưởng đến phản ứng Th2
- Vitamin E, với đặc tính chống oxy hóa, có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch.
Các khoáng chất như kẽm và selen: rất cần thiết cho chức năng hệ thống miễn dịch.
- Thiếu kẽm có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch và ảnh hưởng đến cân bằng Th1/Th2
- Selen rất quan trọng để điều chỉnh phản ứng miễn dịch.
Probiotic và prebiotic: cũng rất quan trọng. Probiotic, chẳng hạn như một số chủng Lactobacillus và Bifidobacteria, và prebiotic thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột, có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, thúc đẩy phản ứng Th1 và tăng cường khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào. Postbiotics, chất được sản xuất bởi tế bào probiotic, cũng có tác dụng điều hòa miễn dịch và tăng cường sức khỏe.
Các chất phytochemical, hợp chất hoạt tính sinh học có trong trái cây, rau, trà, cà phê và gia vị, chẳng hạn như polyphenol, flavonoid và carotenoid, có tác dụng điều hòa miễn dịch và chống oxy hóa và có thể ảnh hưởng đến phản ứng Th1/Th2.
Chất xơ có thể ảnh hưởng đến thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột và do đó ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch. Chế độ ăn giàu chất xơ có thể hỗ trợ hệ vi sinh vật sản xuất axit béo chuỗi ngắn, có tác dụng chống viêm và có thể ảnh hưởng đến phản ứng Th2.
Kết luận
Cai sữa là giai đoạn căng thẳng và quan trọng đối với heo con, với những thay đổi lớn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Hiểu rõ cơ chế miễn dịch trong giai đoạn này và cách dinh dưỡng có thể hỗ trợ phản ứng miễn dịch là cần thiết để nâng cao sức khỏe cho heo con.
Nguồn: Bài viết được dịch bởi Phú An Khánh từ bài viết Strengthening piglet immunity: Strategies to overcome weaning challenges được đăng tải trên trang pig333.com.