Chuỗi tăng giá thức ăn chăn nuôi đã kéo dài đến lần thứ 9 khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh giá heo hơi liên tục lao dốc.

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, đầu ra heo hơi vẫn giảm

Nếu tháng 5, giá heo hơi ở mức trên 70.000 đồng/kg thì từ đầu tháng 6 tới nay, giá heo hơi trên cả nước có xu hướng giảm với mức giảm tới 20.000 đồng/kg so với những tháng trước đó. Mức giá giao dịch đang trong khoảng 50.000 – 57.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Tài chính, từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu chính cho chăn nuôi như ngô, lúa mỳ liên tục tăng cao với mức tăng trung bình từ 30 – 35%, kéo theo giá thức ăn chăn nuôi tăng đáng kể và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Việc tăng giá nguyên liệu chủ yếu do dịch COVID-19 tác động tới logistics toàn cầu kéo theo việc tăng giá mạnh cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở một số quốc gia cũng đang có những ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất các mặt hàng này, dẫn đến giá tăng.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tích Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: “Tính đến lần tăng giá được thông báo hồi cuối tháng 7, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp 9 lần.

Trong khi đó, với tình hình giá bán sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt đều xuống dốc vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Như vậy, đúng ra không có lý do gì khiến giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm thế này, với mức 300-400 đồng/kg, tùy loại”.

Thông báo điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi của một số doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đoán, khi thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi, hầu như các công ty đều không đưa bất kỳ lý do cụ thể nào cho mỗi đợt tăng giá mà chỉ nói rằng do giá nguyên liệu tăng cao nên các công ty điều chỉnh tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: “Các doanh nghiệp lý giải việc tăng giá là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu với mức giá cao nên trong tháng 8 này họ tiếp tục điều chỉnh tăng”.

Thực tế hiện nay, Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn, trong khi nhu cầu lên tới 27 triệu tấn các loại.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi thì tình hình cực kỳ khó khăn cho người chăn nuôi”.

Ông Trọng phân tích do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và cả Việt Nam, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài với con số ước tính lên 90%, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình nhập khẩu.

Trong khi đó, ở đầu ra sản phẩm thì gặp khó trong việc tiêu thụ, lưu thông khi nhiều tỉnh, thành đang giãn cách xã hội, chưa kể tình hình giá bán liên tục giảm dẫn đến ngành chăn nuôi đang rất khó khăn.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, với giá heo giống từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/con, thức ăn chăn nuôi chiếm 70-75%.

Giá bán 1 kg heo hơi dưới mức 60.000 đồng /kg. Như vậy, hiện giá heo hơi xuất chuồng đang thấp hơn giá thành chăn nuôi. Mức giá như thế này khiến nhiều hộ gia đình gặp nhiều khó khăn sau khi vừa gượng dậy từ đợt thiệt hại nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi.

“Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 7 khi các chợ đầu mối tại TP HCM đóng cửa vì dịch COVID-19, việc mua bán của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, mặc dù việc mua bán đã thuận lợi hơn nhưng có một nghịch lý là giá heo hơi đang rớt thấp, ở mức 55.000 – 58.000 đồng/kg trong khi giá cám sau 9 đợt tăng, tương đương chi phí đã tăng thêm 1 triệu đồng/con (100kg), khiến người chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh thua lỗ”.

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước trong thời gian tới.

Đà tăng giá thức ăn chăn nuôi chưa có hồi kết, giải pháp nào để cứu vãn tình thế? - Ảnh 3.
Giá thức ăn chăn nuôi đã ghi nhận lần điều chỉnh tăng thứ 9 kể từ tháng 10/2020 đến nay. (Ảnh: DeHeus)

Đề xuất giảm thuế nhập khẩu để hạ nhiệt thức ăn chăn nuôi

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến giá heo hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý III/2021 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến.

Trong khi đó, trước đà tăng giá của thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể sớm có hồi kết, do đó Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Ủy ban Ngũ cốc Mỹ cũng đã có văn bản đề xuất giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng ngô và lúa mỳ xuống 0%.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ từ 3% xuống 0%; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô từ 5% xuống 3% nhằm góp phần giảm giá đầu vào với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng: “Đây là một trong những cách cứu vãn tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng khủng khiếp như hiện nay. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi vì nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng như vậy người chăn nuôi sẽ không đủ sức tiếp tục hoạt động”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Trọng: “Cục Chăn nuôi cũng đồng thuận với đề xuất giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, khi giảm thuế nhập khẩu thì vấn đề là cần phải giảm được giá thức ăn tổng hợp để tạo ra sản phẩm cạnh tranh”.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết thêm ngoài đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, để giảm giá thức ăn chăn nuôi Nhà nước có thể xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận, vay vốn, tín dụng…

Tuy nhiên, theo ông Trọng giải pháp trước mắt để người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng về trước tình hình khó khăn hiện nay đó là cần tăng cường đối tượng vật nuôi sử dụng nguồn thức ăn trong nước như gia súc ăn cỏ, gia cầm để giảm phụ thuộc vào thức ăn tổng hợp.

“Trong chiến lược phát triển chăn nuôi, ngành hàng đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa sản lượng thịt heo giảm xuống còn 60%, còn sản lượng gia cầm tăng lên 30% và gia súc ăn cỏ lên khoảng 10%. Như vậy, hai đối tượng là gia súc ăn cỏ và gia cầm có thể sử dụng tốt nguồn thức ăn trong nước như cỏ, phụ phẩm trồng trọt”, ông Trọng chia sẻ.

Ngoài ra theo vị này, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết ngang thành HTX, chi hội, sản xuất theo chuỗi để các doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận bao tiêu từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, chủ động đầu vào và đầu ra.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.