Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng rất mạnh trên toàn cầu đang tạo ra những khó khăn và rủi ro không nhỏ cho chăn nuôi lợn trên thế giới.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), báo cáo mới nhất của Rabobank, cho hay, giá lợn hơi đang neo cao ở hầu hết các thị trường trên thế giới do các nhà chế biến thực phẩm đổ xô đi tìm nguồn cung cấp thịt lợn nguyên liệu và nhu cầu của người tiêu dùng bắt đầu tăng lên.

Trong khi đó, sự phục hồi của đàn lợn trên thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, khiến cho ngành chăn nuôi lợn đang trở nên thận trọng hơn, thậm chí thu hẹp ở một số nơi. Trước hết, dịch tả lợn châu Phi ở một số khu vực đang tỏ ra khó đối phó hơn so với dự báo. Điều này làm chậm khả năng phục hồi đàn lợn ở châu Á. Bên cạnh đó, đàn lợn trên thế giới còn đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh khác, như Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS), bệnh tiêu chảy cấp ở lợn (PEDv) gây tình trạng thiếu cung ở Mỹ và Mexico, dịch tả lợn cổ điển (CSF) tái xuất hiện ở Nhật Bản và Brazil …

Giá đậu tương đã tăng 72% từ cuối năm ngoái. Ảnh: TL

Ngoài ra, một rủi ro lớn khác mà ngành chăn nuôi toàn cầu đang phải đối mặt là tình trạng giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong những tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong chăn nuôi lợn, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất. Do đó, sự khác biệt giữa các khu vực về nguồn cung và giá thức ăn chăn nuôi/các nguyên liệu thay thế thức ăn chăn nuôi đang tạo nên khoảng cách về giá lợn cũng như sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn.

Do giá thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sẽ chịu nhiều rủi ro hơn so với tình trạng chung của ngành chăn nuôi toàn cầu. Điều này sẽ càng trở nên trầm trọng do biến động tỷ giá tiền tệ ở mỗi nước.

Chẳng hạn, Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục đàn lợn. Vì vậy, nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi của nước này tăng mạnh, khiến cho giá hạt có dầu và ngô thế giới tăng vọt. Thậm chí việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc trong thời gian qua đã gây mất cân bằng thị trường ngô và đậu tương toàn cầu.

4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu ngô của Trung Quốc đã tăng rất mạnh 438% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 6,7 triệu tấn, tương đương khoảng 20% tổng thương mại ngô toàn cầu. Do lượng tồn trữ ngô trên thế giới đã cạn kiệt từ năm ngoái, nên việc Trung Quốc mua một khối lượng rất lớn như trên đã khiến cho giá ngô tăng mạnh tới trên 71% trong vòng một năm qua.

Thông tin từ các chuyên gia về protein động vật, cho thấy, tồn trữ hạt có dầu ở một số khu vực trên thế giới đang gần chạm mức khủng hoảng. Giá đậu tương đã tăng 72% từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh giá dầu đậu tương và giá khô đậu tương đều tăng mạnh. Giá tăng cao quá nên các nhà sản xuất đã phải tìm tới những loại bã hạt khác để thay thế, nhưng tồn trữ trên toàn cầu nhìn chung đều cạn kiệt, và nhu cầu đối với một số loại hạt khác trên cũng đang tăng.

Rabobank cho biết, trước tình trạng giá thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao trên thế giới, nhiều nước đang tìm cách giảm chi phí thức ăn chăn nuôi tăng bằng việc thay đổi tỷ trọng các thành phần thức ăn, giúp tỷ lệ chi phí thức ăn trong tổng chi phí chăn nuôi giảm xuống.

Trung Quốc, nước có đàn lợn lớn nhất thế giới, đang tìm mọi cách giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi. Trong kế hoạch mới công bố gần đây, ngành nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu các nhà chăn nuôi hạn chế sử dụng ngô và khô đậu tương trong chăn nuôi, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích trong nước tăng cường sản xuất ngô. Nhiều nước khác cũng đang chuyển hướng sang những nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay thế khác, như lúa mì.

 

Sơn Trang

Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.